Các hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp được pháp luật quy định, điều chỉnh rất cụ thể tại pháp luật doanh nghiệp và các văn bản luật khác liên quan. Chủ thể được quyền tiến hành các hoạt động này, cụ thể là hoạt động tách công ty, cũng như các quy định liên quan khác như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây của Luật Bravolaw để nắm bắt được có thể tách công ty TNHH, Công ty cổ phần thành nhiều công ty cùng loại có được hay không? nhé.
Những điều cần biết về hoạt động tách công ty
Tách doanh nghiệp là hoạt động tổ chức lại dành cho công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Hoạt động này tạo ra kết quả pháp lý đó là thành lập ra một hoặc một số công ty khác mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách. Cụ thể, ngay tại định nghĩa ở khoản 1 Điều 93 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định rõ:
“Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.”
Như vậy, có thể thấy pháp luật cho pháp công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được phép tách thành nhiều công ty nhỏ cùng loại.
Các phương thức tách công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần
Theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Luật Doanh nghiệp 2020 (Luật DN), hoạt động tách công ty có thể tiến hành dưới ba hình thức sau:
Thứ nhất, chuyển một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới.
Thứ hai, chuyển toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ sang cho các công ty mới;
Thứ ba, kết hợp giữa hai cách trên.
Đọc thêm: Thành lập công ty tại Hải Dương
Một số hậu quả pháp lý đối với trường hợp tách công ty
Một điều chắc chắn trong hoạt động tách doanh nghiệp này đó là làm giảm số vốn điều lệ của công ty bị tách. Đồng nghĩa với việc, Công ty bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ và số lượng thành viên tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên giảm xuống đồng thời với đăng ký doanh nghiệp các công ty mới theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác theo quy định của khoản 5 Điều 93 Luật DN.
Trên đây là các thông tin về hoạt động tách công ty của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Tất nhiên, trong quá trình chuẩn bị và thực hiện hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp này, bạn cần phải lưu ý thêm nhiều vấn đề pháp lý xoay quanh nữa. Để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn chi tiết về thủ tục thực hiện, bạn có thể trực tiếp liên hệ với theo Hotline: 1900 6296 với Luật Bravolaw để nhận được tư vấn và giải đáp.