Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ thành lập doanh mới ở đây luôn nằm trong top đầu của cả nước. Vậy thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện như thế nào? Hôm nay, cùng Luật Bravolaw tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý

  • Luật doanh nghiệp 2020
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP
  • Nghị định 47/2021/NĐ-CP

Điều kiện thành lập doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh

Căn cứ khoản 1 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

Điều 17. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

1, Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, theo quy định trên cá nhân, tổ chức có quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Thành viên góp vốn/ cổ đông sáng lập doanh nghiệp là cá nhân – phải đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; không thuộc các trường hợp bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.
  • Thành viên góp vốn/ cổ đông sáng lập doanh nghiệp là tổ chức – pháp nhân thương mại không bị cấm kinh doanh; cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
  • Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có). Ngoài ra, trụ sở chính của doanh nghiệp không được là nhà chung cư, nhà tập thể; trừ khi chứng minh được mục đích sử dụng theo quy hoạch xây dựng là toà nhà văn phòng, dùng cho mục đích kinh doanh.
  • Tùy từng mô hình kinh doanh, loại hình doanh nghiệp pháp luật có quy định về vốn điều điều lệ tối thiểu khác nhau.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu ở trên, người có nhu cầu thành lập doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện theo quy trình sau:

Bước 1: Xác định loại hình doanh nghiệp muốn thành lập

Người thành có nhu cầu thành lập doanh cần xác định loại hình doanh nghiệp.

Theo quy định của luật doanh nghiệp 2020, có các loại hình như sau: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, công ty cổ phần.

Sau khi xác định được loại hình doanh nghiệp, cần xác định các vấn đề sau:

  • Đặt tên doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp gồm hai thành tố: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Theo đó, tên riêng của doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên các công ty đã đăng ký trước đó trên phạm vi toàn quốc.
    Lựa chọn địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
  • Xác định ngành, nghề kinh doanh.
  • Xác định vốn điều lệ doanh nghiệp: Tùy vào khả năng, nhu cầu của các thành viên/ cổ đông, cũng như quy mô hoạt động của doanh nghiệp và theo quy định của pháp luật (đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện) để đặt vốn điều lệ phù hợp.
  • Xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
  • Chuẩn bị bản sao chứng thực giấy tờ pháp lý của thành viên/ cổ đông sáng lập.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp

Do đặc điểm về cơ cấu, tổ chức của từng loại hình doanh là khác nhau, nên luật doanh nghiệp quy định hồ sơ thành lập từng doanh nghiệp có những sự khác biệt nhất định, cụ thể như sau:

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân

Căn cứ Điều 19 Luật doanh nghiệp 2020 quy định hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân gồm các loại giấy tờ sau:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

Hồ sơ thành lập công ty hợp danh

Căn cứ Điều 20 Luật doanh nghiệp 2020 quy định hồ sơ thành lập công ty hợp danh gồm các loại giấy tờ sau:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách thành viên.
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn

Căn cứ Điều 21 Luật doanh nghiệp 2020 quy định hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên gồm các loại giấy tờ sau:

+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

+ Điều lệ công ty.

+ Danh sách thành viên.

+ Bản sao các giấy tờ sau đây:

(1) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

(2) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

(3) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Hồ sơ thành lập công ty cổ phần

Căn cứ Điều 22 Luật doanh nghiệp 2020 quy định hồ sơ thành lập công ty cổ phần gồm các loại giấy tờ sau:

+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

+ Điều lệ công ty.

+ Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

+ Bản sao các giấy tờ sau đây:

(1) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

(2) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

(3) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Bước 3: Nộp hồ sơ và nhận kết quả

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu ở trên, người có nhu cầu thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp tại bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp định đặt trụ sở chính.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc. Nếu có vấn đề pháp lý cần giải đáp, vui lòng liên hệ Zalo và Hotline. Bên cạnh đó, Quý khách hàng cần sử dụng dịch vụ thành lập công ty hãy gọi cho Luật Bravolaw.