Quy định mới về doanh nghiệp nhà nước

Quy định mới về doanh nghiệp nhà nước

Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ 01/01/2021 đã sửa đổi, bổ sung một cách hoàn thiện hơn quy định về doanh nghiệp nhà nước. Việc thay đổi này đem lại nhiều ý nghĩa to lớn. Cụ thể như góp phần giải quyết mối quan hệ giữa sở hữu nhà nước và sở hữu doanh nghiệp tạo sự linh hoạt, tính chủ động, sáng tạo hướng tới thống nhất cơ chế điều chỉnh pháp luật…Vậy quy định mới nhất về doanh nghiệp nhà nước hiện nay như thế nào? Hãy cùng Luật Bravolaw tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

  • Luật doanh nghiệp 2020

Quy định mới về khái niệm doanh nghiệp nhà nước

Luật doanh nghiệp 2020 sau khi được sửa đổi đã quy định mới về khái niệm về doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể đã được mở rộng hơn so với quy định trước đó.

Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp nào được xem là doanh nghiệp nhà nước?

Trước sự thay đổi về khái niệm doanh nghiệp nhà nước, quy định về doanh nghiệp nào được xem là doanh nghiệp nhà nước cũng những điểm mới. Cụ thể từ ngày 01/01/2021, các doanh nghiệp sau đây sẽ được xem là doanh nghiệp nhà nước:

Trường hợp 1

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Công ty này có thể là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; hoặc công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con.
  • Công ty TNHH một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Trường hợp 2

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết bao gồm:

  • Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đây là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; hoặc công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con.
  • Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp nhà nước

Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước dưới hình thức công ty TNHH một thành viên theo một trong hai mô hình sau đây:

  • Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát.
  • Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát.

Như vậy trong hai mô hình tổ chức quản lý như trên, việc thành lập Ban kiểm soát, Kiểm soát viên là bắt buộc. Đây cũng là một trong những quy định mới của Luật Doanh Nghiệp 2020 về doanh nghiệp nhà nước. Vậy chi tiết điều này được quy định như thế nào?

Quy định mới về Ban kiểm soát của doanh nghiệp nhà nước

Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải lập Ban kiểm soát, Kiểm soát viên căn cứ theo quy mô công ty hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Đối với kiểm soát viên:

  • Ban kiểm soát của các doanh nghiệp nhà nước sẽ có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên trong đó có Trưởng Ban kiểm soát.
  • Nhiệm kỳ của kiểm soát viên không quá 05 năm có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó.
  • Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.

Câu hỏi thường gặp

Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh có được coi là doanh nghiệp nhà nước theo quy định mới nhất không?

Câu trả lời là không. Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước chỉ được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thuộc vào những trường hợp được quy định trong luật.

Trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp nhà nước được quy định như thế nào?

Doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm tài sản trong phạm vi tài sản của doanh nghiệp. Nhà nước chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhà nước có tư cách pháp nhân không?

Câu trả lời là có. Vì doanh nghiệp nhà nước hoạt động dưới hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần theo quy định của luật. Mà công ty TNHH, công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp nhà nước cũng có tư cách pháp nhân.

Một người có thể làm Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên của nhiều doanh nghiệp nhà nước không?

Câu trả lời là có. Tuy nhiên mỗi cá nhân đồng thời được bổ nhiệm làm Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên của không quá 04 doanh nghiệp nhà nước.

Với những chia sẻ trên đây Luật Bravolaw hy vọng bài viết bổ ích với bạn đọc! Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn thành lập công ty miễn phí của chúng tôi vui lòng liên hệ Hotline: 1900 6296 nhé!.