Với đường bờ biển chạy dọc theo ba miền đất nước, Việt Nam vẫn luôn được xác định là nước có vị trí thuận lợi trong việc phát triển ngành đóng tàu. Việc thành lập công ty đóng tàu cần đáp ứng những điều kiện gì? Sau đây Luật Bravolaw sẽ giới thiệu đến quý khách hàng quy trình thành lập công ty đóng tàu biển theo quy định mới nhất hiện nay.
Đóng tàu biển là gì?
Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 quy định tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển. Đóng tàu biển chính là hoạt động xây dựng, hoàn thiện các tàu biển. Hoạt động này thường được diễn ra tại những cơ sở chuyên biệt.
Từ khi ngành công nghiệp đóng tàu ra đời, hoạt động trên biển của con người cũng phát triển không ngừng. Với những chiếc tàu biển hiện đại, ngư dân có thể ra khơi đánh bắt nhiều ngày, hoạt động vận tải đường biển phát triển mạnh mẽ và ngành công nghiệp khai khoáng ngoài biển khơi cũng dễ ràng hơn,…. Với quốc gia có đường bờ biển dài 3260 km thì hoạt động đóng tàu biển là một trong những mũi nhọn kinh tế của chúng ta.
Điều kiện để kinh doanh công ty đóng tàu biển?
Để công ty đóng tàu biển có thể kinh doanh hoạt động đóng tàu biển thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
Điều kiện về cán bộ kỹ thuật, kiểm tra chất lượng và thợ đóng tàu:
– Cơ sở đóng tàu phải có bộ phận kỹ thuật và bộ phận kiểm tra chất lượng riêng biệt đáp ứng yêu cầu đóng tàu mới với số lượng cán bộ tối thiểu của mỗi bộ phận, cụ thể như sau:
+ Đối với cơ sở đóng tàu loại 1: 04 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành đóng tàu thủy, 04 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành máy tàu thủy và 02 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tàu thủy;
+ Đối với cơ sở đóng tàu loại 2: 02 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành đóng tàu thủy, 02 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành máy tàu thủy và 01 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tàu thủy.
- Cán bộ kỹ thuật và kiểm tra chất lượng phải có tối thiểu 24 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng mới tàu biển.
- Cơ sở đóng tàu với thân tàu bằng vật liệu kim loại phải đảm bảo có tối thiểu 05 thợ hàn kim loại, 02 thợ cơ khí, 03 thợ điện và 03 thợ sơn phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới tàu biển. Thợ hàn kim loại phải có chứng chỉ chứng nhận trình độ chuyên môn phù hợp theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển hoặc tương đương.
- Cơ sở đóng tàu với thân tàu bằng vật liệu phi kim loại phải đảm bảo có tối thiểu 03 thợ chế tạo vỏ tàu thủy, 01 thợ cơ khí, 01 thợ điện và 02 thợ sơn phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới tàu biển.
Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị
Doanh nghiệp đóng tàu cần phải đảm bảo có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới tàu biển.
Điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường
– Đáp ứng các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ theo quy định của pháp luật.
– Đảm bảo có đủ các phương tiện tiếp nhận, thu hồi các chất thải từ tàu để xử lý theo quy định của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do tàu gây ra mà Việt Nam là thành viên (Công ước MARPOL) và các điều kiện khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Đảm bảo hệ thống quản lý chất lượng:
– Cơ sở đóng tàu loại 1 phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương, hệ thống quản lý an toàn và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 hoặc tương đương trong thời gian 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện hoạt động và duy trì áp dụng trong suốt quá trình hoạt động.
– Cơ sở đóng tàu loại 2 phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng bao gồm các quy trình công việc đóng mới và hoán cải tàu biển theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương trong thời gian 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện hoạt động và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Chuẩn bị trước khi thành lập công ty đóng tàu biển
Chuẩn bị tên công ty đóng tàu biển:
Theo quy định tại Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020, tên công ty đóng tàu biển dựng gồm 2 thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng doanh nghiệp:
- Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
- Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
- Ngoài ra, tên doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện không vi phạm quy định tại Điều 38, 39 của Luật Doanh nghiệp 2020.
- Chuẩn bị trụ sở công ty đóng tàu biển:
- Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có) và phải là nơi thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp.
Lưu ý: Công ty đóng tàu biển không được đăng ký trụ sở tại chung cư và nhà tập thể vì theo quy định luật Nhà ở, chung cư và nhà tập thể chỉ nhằm mục đích ở, không nhằm mục đích kinh doanh.
Chuẩn bị nghành nghề kinh doanh của công ty đóng tàu biển
Các ngành nghề liên quan đến đóng tàu biển được quy định như sau:
3011 : Đóng tàu và cấu kiện nổi. Nhóm đóng tàu và cấu kiện nổi gồm: Đóng tàu, trừ tàu cho thể thao hoặc giải trí và xây dựng cấu kiện nổi. Cụ thể:
+ Đóng tàu thương mại: Tàu chở khách, phà, tàu chở hàng, xà lan, tàu dắt…
+ Đóng tàu chiến;
+ Đóng tàu đánh cá và tàu chế biến cá.
+ Nhóm đóng tàu và cấu kiện nổi cũng gồm:
+ Đóng tàu di chuyển bằng đệm không khí (trừ loại tàu dùng cho giải trí);
+ Xây dựng dàn khoan, tàu nổi hoặc tàu lặn;
+ Thiết lập cấu kiện nổi: Sàn tàu nổi, thuyền phao, giếng kín, giàn nổi, phao cứu đắm, xà lan nổi, xà lan bốc dỡ hàng, cần trục nổi, mảng hơi không thể tái tạo…
+ Sản xuất các bộ phận cho tàu và cho cấu kiện nổi.
Loại trừ:
Sản xuất các bộ phận cho tàu không phải bộ phận thân tàu chính như:
+ Sản xuất buồm được phân vào nhóm 13920 (Sản xuất hàng dệt sẵn (trừ trang phục)),
+ Sản xuất tàu chân vịt được phân vào nhóm 2599 (Sản xuất sản phẩm khác bằng kim loại chưa được phân vào đâu),
+ Sản xuất mỏ neo thép hoặc sắt được phân vào nhóm 2599 (Sản xuất sản phẩm khác bằng kim loại chưa được phân vào đâu),
+ Sản xuất động cơ tàu thủy được phân vào nhóm 28110 (Sản xuất động cơ, tuabin (trừ động cơ máy bay, ô tô, mô tô và xe máy)).
+ Sản xuất dụng cụ cho hải quân được phân vào nhóm 26510 (Sản xuất thiết bị đo lường, kiểm tra, định hướng và điều khiển);
+ Sản xuất thiết bị chiếu sáng cho tàu được phân vào nhóm 27400 (Sản xuất thiết bị điện chiếu sáng);
+ Sản xuất động cơ cho thủy phi cơ được phân vào nhóm 29100 (Sản xuất ô tô và xe có động cơ khác);
+ Sản xuất xuồng hơi hoặc bè mảng cho giải trí được phân vào nhóm 30120 (Đóng thuyền, xuồng thể thao và giải trí);
+ Sửa chữa đặc biệt và bảo dưỡng cho tàu và hệ thống nổi được phân vào nhóm 33150 (Sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác));
+ Phá tàu cũ được phân vào nhóm 3830 (Tái chế phế liệu);
+ Lắp đặt bên trong cho thuyền được phân vào nhóm 43300 (Hoàn thiện công trình xây dựng).
Ngoài ra doanh nghiệp đóng tàu biển có thể lựa chọn một số ngành nghề kinh doanh khác để đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Chuẩn bị vốn điều lệ:
Vốn điều lệ do chủ sở hữu doanh nghiệp góp vốn và đối với ngành nghề đóng tàu biển thì không có yêu cầu về vốn pháp định.
Theo quy định tại luật doanh nghiệp 2020, các thành viên phải góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu sau thời hạn 90 ngày này mà doanh nghiệp chưa góp đủ số vốn điều lệ đăng ký thủ tục thay đổi thông tin cổ đông sáng lập hoặc giảm vốn điều lệ đã góp trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được trong vòng 30 ngày. Vốn điều lệ công ty đóng tàu biển ảnh hưởng đến mức Lệ phí môn bài.
Thành phần hồ sơ cần chuẩn bị khi thực hiện thủ tục thành lập công ty đóng tàu biển
Với mỗi loại hình doanh nghiệp thì hồ sơ thành lập công ty đóng tàu biển lại khác nhau. Cụ thể:
Đối với công ty TNHH một thành viên:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Bản sao các giấy tờ sau đây: Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với công ty TNHH 2 Thành viên và Công ty cổ phần:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
- Bản sao các giấy tờ sau đây: Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với doanh nghiệp tư nhân:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.
Đối với công ty Hợp danh:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên.
- Bản sao các giấy tờ sau đây: Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Trình tự thực hiện:
- Doanh nghiệp sẽ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm những tài liệu nêu trên.
- Sau khi hồ sơ thành lập công ty đã hoàn tất, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ thông qua trang mạng điện tử của Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia.
- Sau khi nhận được hồ sơ, chuyên viên của Phòng đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong 03ngày làm việc. Nếu hồ sơ hợp lệ thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo từ chối hoặc sửa đổi bổ sung hồ sơ.
- Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Những thủ tục cần thực hiện sau khi có giấy phép
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp về đóng tàu biển, công ty phải thực hiện các thủ tục sau đây:
- Khắc dấu-in bảng hiệu;
- Thông báo phát hành hóa đơn điện tử và tài khoản ngân hàng;
- Khai thuế ban đầu.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi nhằm giải đáp thắc mắc thủ tục thành lập công ty đóng tàu biển. Luật Bravolaw là đơn vị chuyên thực hiện, hỗ trợ quý khách hàng thủ tục mở công ty đóng tàu biển với chi phí hợp lý trong thời gian nhanh nhất. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số Hotline: 1900 6296